Cẩm nang du lịch Bắc Ninh
02-04-2017
Nằm cách Hà Nội khoảng 31 km, Bắc Ninh một mảnh đất cổ lâu đời với nhiếu nét truyền thông văn hóa đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới làn điệu dân ca Quan Họ đã đi sâu trong tâm thức bao nhiều con đất Việt. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh khác hấp dẫn khách du lịch. Trong bài viết này, LATOUR sẽ giới thiệu đến bạn đọc những kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh đầy đủ và chi tiết nhất.
Du lịch Bắc Ninh khi nào?
Du lịch ở Bắc Ninh không phụ thuộc vào thời điểm nào trong năm, bạn có thể đi bất cứ lúc nào, nhưng nếu có dịp đến đây vào mùa lễ hội đầu xuân là tuyệt nhất. Lễ hội nổi tiếng phải kể đến đó là lễ hộ Lim từ 13 – 15 tháng giêng.
Đi Bắc Ninh bằng phương tiện gì
Có nhiều cách đi tới Bắc Ninh, đơn giản nhất là đi xe máy, xe khách hoặc xe buýt từ các bến xe ở Hà Nội. Để tham quan các điểm du lịch ở Bắc Ninh thì bạn có thể di chuyển bằng xe bus hoặc xe ôm.
Nên đi như thế nào?
Vì các điểm du lịch ở Bắc Ninh nằm rải rác ở khắp các huyện xã, nên bạn cần phải phân ra khu vực rồi lựa chọn tuyến du lịch phù hợp với sở thích và thời gian. Một số tuyến đi bạn có thể tham khảo qua như sau:
Tuyến 1: làng Tranh Đông Hồ, thành cổ Luy Lâu, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, các vườn hoa Cải vàng tươi (nếu đi vào mùa Hoa Cải)
Tuyến 2: Đền Đô, đền Bà Chúa Kho, thành phố Bắc Ninh, Hội Lim. Và nếu nhích thêm 1 chút thì đi thêm cả Thổ Hà nữa.
Tuyến 3: Làng gốm Phù Lãng
Xe bus đi Bắc Ninh
Đi tuyến 1, bạn có thể bắt xe 204 xuất phát từ bến xe Lương Yên đi Thuận Thành sẽ đi ngang qua Chùa Dâu, làng tranh Đông Hồ.
Với tuyến 2, bạn có thể đi xe bus số 54 điểm đầu từ điểm trung chuyển Long Biên đi thành phố Bắc Ninh, sẽ qua Đền Đô, Lim… Hoặc xe 203 đi Bắc Giang, xuất phát từ bến xe Lương Yên.
Với tuyến số 3 đi Phù Lãng thì bạn nên đi xe máy là tiện nhất, đi xe khách cũng được, đi xe ôm vào Phù Lãng khá xa.
Những điểm du lịch nổi tiếng Bắc Ninh
Đền Đô
Khi du lịch Bắc Ninh, bạn không thể bỏ qua Đền Đô - Một ngôi đền cổ được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn. Đây là nơi thờ tám vị vua nhà Lý. Đền Đô tọa lạc tại làng Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Tới Đền Đô bạn cũng nên ghé thăm Đình làng Đình Bảng, đây cũng là một ngôi đền cổ, có nét kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, đến đây bạn sẽ được khám phá làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống lâu đời.
Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15 - 3 - 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.
Hội Lim
Hội Lim được tổ chức hàng năm từ ngày 13 đến 15 tháng giêng âm lịch. Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Hội Lim có 2 phần, phần lễ và phần hội. Từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng, các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim, mở cửa đình làng và đền, chùa tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống. Sáng ngày 13 tháng Giêng, 4 làng thuộc xã Nội Duệ tập trung tại đình thôn Đình Cả, tổ chức đoàn rước về lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim, sau đó dâng hương tại chùa Hồng Ân và các đình làng và đền chùa khác ở Nội Duệ và thị trấn Lim. Phần tổ chức rước kiệu diễn ra khá hoành tráng, nếu đi Hội Lim bạn nên tham gia cùng đoàn rước, diễn ra vào sáng sớm ngày 13. Phần Hội diễn ra tại đồi Lim, có nhiều hoạt động vui chơi truyền thống như: bịt mắt bắt dê, đánh đu, hát dân ca Quan Họ, đập niêu...
Đình Đình Bảng
Đình Đình Bảng nằm cách đền Đô 500m, được làm vào thế kỷ thứ XVIII và hoàn toàn bằng gỗ. Kiến trúc đình bao gồm tòa đại đình đồ sộ cùng hậu cung phía sau theo dạng mặt hình chữ Đinh. Nét độc đáo của đình thể hiện ở điểm mái đình đồ sộ giống như những đầu đao, được lợp băng ngói hài. Kiến trúc bên trong ngôi đình thể hiện tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc xưa, có nhiều bức hoành phi câu đối quý được sơn bằng sơn thếp vàng.
Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích có vị trí tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý. Chùa còn sở hữu một bức tượng Phật bằng đá tọa lạc trên tòa sen thời Lý lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp nằm ở bên đê hữu ngạn dòng sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành. Chùa có khuôn viên rộng với kiến trúc quy mô cổ hoàn chỉnh nhất còn sót lại cho đến ngày nay. Trong chùa có tượng Phật Bà Quan nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất nước ta.
Chùa Dâu
Chùa Dâu là ngôi chùa được hình thành sớm nhất Việt Nam mang dấu tích của buổi đầu Phật giáo du nhập vào đất Việt và xây dựng theo lối kiến trúc cầu kỳ “Nội công ngoại quốc”. Kiến trúc chùa gồm có đền thờ, lăng mộ Sĩ Tiếp, thành cổ Luy Lâu, gồm hệ thống dinh thự, chùa chiền, đền đài, bảo tháp… Chúng được coi là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thập kỉ trước và sau Công Nguyên.
Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho nằm ở lưng chừng núi Kho thuộc thành phố Bắc Ninh. Đền luôn được người dân tin là một trong những ngôi chùa xin lộc làm ăn nổi tiếng nhất của miền Bắc. Đầu năm, du khách khắp nơi đổ về đây để cầu một năm làm ăn buôn bán phát đạt và gặp nhiều may mắn.
Làng Tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Ngôi làng nằm nép mình bên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Tranh Đông Hồ là một loại tranh khắc gỗ thuộc dòng tranh dân gian Việt Nam. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường trang trí nhà cửa đón năm mới. Đến với làng tranh Đông Hồ bạn sẽ được tìm hiểu về qui trình sản xuất tranh, hiện nay chỉ còn lại 2 nhà còn lưu giữ và sản xuất tranh. Các hộ gia đình còn lại thường làm Vàng Mã, xuất đi các tỉnh thành ở miền Bắc.
Làng Gốm Phù Lãng
Làng Phù Lãng nằm ở phía đông huyện Quế Võ, cách huyện lỵ khoảng 10 km và cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang chở khách qua lại. Phù Lãng còn có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên khung cảnh sơn thuỷ hữu tình rất yên bình. Du lịch Bắc Ninh, tới Phù Lãng bạn có thể tận mắt nhìn thấy những lò Gốm và tìm hiểu cách làm Gốm ở đây.
Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống). Qua nhiều công đọan, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay khéo léo của người thợ thủ công. Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, ấm đất, chậu nồi, chậu sành, tiểu sảnh. Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa bền đẹp vừa thanh nhã.
Bắc Ninh còn rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác mà chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn trong thời gian sắp tới.
Thông tin khác
- » Bãi Bụt - Nét chấm phá hoang sơ Đà Nẵng (02.04.2017)
- » Thác nước trời Yang Bay (27.03.2017)
- » Hoang sơ Bàu Trắng- Phan Thiết (27.03.2017)
- » Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu tuyệt vời (27.03.2017)
- » Du lịch Núi Trầm – cao nguyên đá giữa Hà Nội (27.03.2017)
- » Vượt lối mòn check-in đỉnh Phiêng Mường (23.03.2017)
- » Đừng kêu chán nữa, lên Tây Bắc đi! (23.03.2017)
- » Mai Anh Đào bung nở một trời hồng trên Đà Lạt (09.03.2017)